Cẩn thận với Sao kê Ngân hàng giả!
Khi các Ngân hàng ngày càng thắt chặt quy định về cho vay; các trường hợp khách hàng không có chứng từ chứng minh nguồn thu nhập cố định đủ kiều kiện vay vốn bị từ chối hồ sơ ngày càng nhiều; thì trên thị trường bắt đầu phát sinh những hiện tượng “làm giả”; hoặc lách luật tinh vi hơn với mục đích có chứng từ chung cấp cho Ngân hàng để vay vốn.
Cầm tờ sao kê Ngân hàng; dấu đỏ chót với mức lương cao ngất chắc hẳn bất kỳ Chuyên viên Quan hệ khách hàng nào cũng khấp khởi mừng thầm rằng vớ được “khách sộp”. Nhưng chớ vội mừng; ngày nay, sao kê Ngân hàng cũng bị làm giả với mức độ tinh vi rất cao.
Cách thức làm giả sao kê Ngân hàng
Nghe giang hồ đồn thổi, có hai cách thức tạo sao kê ngân hàng giả phổ biến như sau:
- Làm giả sao kê (con dấu giả, sử dụng format sao kê của các ngân hàng; chèn thêm các bút toán đổ lương để chứng minh nguồn thu nhập). In A4 sau đó cập dấu củ khoai (dấu giả hoặc dấu in bằng mực đỏ – rất tinh vi).
- Sao kê thật nhưng thu nhập giả: Vì một số bank chỉ yêu cầu sao kê lương 3 tháng gần nhất; vì vậy một số KH (không loại trừ CV QHKH hướng dẫn) đã “mượn” một DN nào đó; thường là DN nhỏ chuyển lương qua tài khoản từ 3-5 tháng (tất nhiên là KH không làm việc tại các công ty này).
Với hiện tượng trên, Chuyên viên Quan hệ Khách hàng lưu ý; đối với các hồ sơ Khách hàng cá nhân, có thu nhập từ lương tại các DN vừa và nhỏ, cần được thẩm định kỹ (nên thẩm định thực địa & thực hiện nhiều nhất các thủ tục xác minh có thể).
Làm sao để không “mắc bẫy” sao kê Ngân hàng giả?
Đối với trường hợp trả lương qua tài khoản ngân hàng, check trước khi chấp nhận (nếu ở bank mình thì quá dễ, ở bank khác thì nên nhờ nhau check cho chắc ăn. Quy định có thể chỉ cần lấy thu nhập 3 tháng; nhưng nên check từ thời điểm KH làm việc tại công ty đó. Xem trên HĐLĐ đến thời điểm vay vốn xem có bất thường không? Nếu có thì nên cân nhắc khách hàng này).
Không nên bỏ qua các kênh tra chéo thông tin vô cùng hữu ích như Thuế, Bảo hiểm xã hội trong quá trình thẩm định.
Đối với trường hợp nghi sao kê ngân hàng là giả, con dấu in màu thì Chuyên viên có thể tìm kiếm một hồ sơ khác có con dấu tương tự rồi so sánh về kích thước, màu sắc. Chú ý đến mức độ hằn của con dấu trên giấy (vì dấu đóng bao giờ cũng có độ hằn nhất định). Hoặc cũng có thể dùng một chút nước để kiểm tra độ nhoè của con dấu; con dấu đóng bằng mực dấu thường có độ nhoè nhanh và mạnh hơn mực in.
Điều cuối cùng: Các trường hợp làm sao kê Ngân hàng giả để vay tín chấp và làm thẻ tín dụng rất phổ biến. Lợi dụng quy trình đục lỗ của một số Ngân hàng; các đối tượng lừa đảo thưởng vay tín chấp hoặc mở thẻ; sau đó rút sạch tiền và… biến mất. Hậu quả để lại với người quản lý hồ sơ thế nào thì bất cứ Nhân viên Ngân hàng nào cũng đều biết; vì vậy, HÃY CẨN TRỌNG!
Một số lưu ý
Bổ sung 1: Sau khi bài viết này được chia sẻ trên Fanpage U&Bank, tác giả nhận được phản hồi rằng; ngoài những trường hợp cơ bản như trên còn một tình huống rủi ro nữa đó là không loại trừ sao kê Ngân hàng được làm giả; hoặc tiếp tay làm giả từ chính đồng nghiệp của chúng ta – những người làm Ngân hàng. Động cơ thì có thể nhiều; nhưng dễ hiểu nhất là nếu Khách hàng của họ gặp vấn đề liên quan đến khả năng trả nợ; phương án “đẩy” khách sang vay; làm thẻ ở Ngân hàng khác để trả nợ cho Ngân hàng mình là hoàn toàn có thể. Vì vậy, nếu nhận sao kê từ đồng nghiệp của Ngân hàng bạn – nơi mà Khách hàng đã phát sinh khoản vay tín chấp/thẻ thì cũng nên cẩn thận kiểm tra.
Bổ sung 2: Một thành viên trên U&Bank comment bổ sung: Có trường hợp khách hàng tự nộp tiền vào tài khoản; hoặc tự chuyển khoản, ghi ký tự tại mục Nội dung trên giấy nộp tiền; hoặc nội dung chuyển tiền bằng các chuỗi ký tự y như đổ lương. Điều này thực tế thì tinh mắt có thể phát hiện ra nhưng cơ bản cũng rất đáng để lưu ý.
Cũng có comment; nếu Ngân hàng nào để lọt lỗi này thì đội ngũ kiểm soát sau có vấn đề. Tuy nhiên thực tế cho thấy khá nhiều Ngân hàng vẫn để lọt những lỗi thuộc hàng “sơ đẳng” này. Vì vậy, cẩn thận vẫn hơn.
Hưng Việt
Đừng quên theo dõi chuyên mục Blog LearnID để cập nhật tin tức mới nhất về ngành.